Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Những thắc mắc về chủng ngừa viêm gan siêu vi

1. Tại sao phải chủng ngừa viêm gan siêu vi

Như chúng ta đã biết, bệnh viêm gan siêu vi hiện nay đã trở thành một mối quan tâm lớn cho y tế cộng đồng.

Trong đó, viêm gan siêu vi B và C là hai bệnh thường gặp nhất và khoảng 20-40% trường hợp sẽ có nguy cơ diễn tiến mãn tính với những biến chứng nặng nề như xơ gan và ung thư gan.
Khi đã mắc bệnh thì việc điều trị sẽ rất tốn kém và đôi khi dù có tốn kém để điều trị nhưng kết quả lại không đạt được như mong muốn. Vì vậy, không nên để “mất trâu rồi mới làm chuồng” mà chúng ta phải chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.


2. Việc chủng ngừa sẽ bảo vệ cho cơ thể như thế nào

Khi siêu vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thì cơ thể sẽ huy động các lực lượng bảo vệ để tiêu diệt kẻ thù. Bộ “Quốc phòng” của cơ thể chính là “hệ thống miễn dịch”, chuyên chỉ huy và đào tạo binh lính để chống “ngoại xâm”. Nếu trận chiến thắng lợi tức là cơ thể đã tiêu diệt được siêu vi khuẩn và coi như ta đã khỏi bệnh.

Lúc đó, đội quân “miễn dịch” (bao gồm các kháng thể và các tế bào miễn dịch) sẽ trở nên tinh nhuệ hơn, am hiểu kẻ địch hơn cho nên nếu gặp lại kẻ thù đó một lần nữa, đội quân “miễn dịch” này sẽ dễ dàng nhận ra và tiêu diệt kẻ thù. Chính vì vậy, muốn “trăm trận, trăm thắng” thì trước tiên phải “biết địch, biết ta" và quân đội phải được tập đợt trước.



Do đó, chủng ngừa là đưa một phần hoặc toàn phần con siêu vi khuẩn đã bị mất khả năng gây bệnh vào trong cơ thể, nhờ đó cơ thể có dịp nhận diện trước và đào tạo được một đội “đặc nhiệm” gồm các kháng thể và tế bào miễn dịch chuyên biệt để tiêu diệt khi siêu vi khuẩn tấn công. Phương cách đó được gọi là tạo “miễn dịch chủ động”.

Từ lúc chủng ngừa đến khi cơ thể có khả năng đề kháng được siêu vi B phải mất vài ba tháng và khả năng bảo vệ này được duy trì trong nhiều năm. Nếu trong thời gian cơ thể chưa kịp tạo ra kháng thể mà chúng ta tiếp xúc với người bệnh viêm gan siêu vi, chúng ta có thể bị siêu vi tấn công bất ngờ và cơ thể sẽ không trở tay kịp thời. 

Lúc đó, chúng ta phải nhờ vào “viện binh” bằng cách tiêm trực tiếp các kháng thể có sẵn lấy từ máu của những người đã được bảo vệ đối với bệnh viêm gan siêu vi B. Chất đó là HBIG (Hepatitis B Immune Globulin). Cách tiêm này được gọi là tạo “miễn dịch thụ động”. Các kháng thể “mượn” từ bên ngoài chỉ bảo vệ cơ thể trong vòng vài tháng. Muốn được bảo vệ lâu dài hơn, chúng ta phải chủng ngừa cùng lúc để có được kháng thể do chính cơ thể mình sản xuất ra.

3. Hiện nay có thể chủng ngừa được bệnh viêm gan siêu vi nào?

Có rất nhiều siêu vi khuẩn gây viêm gan nhưng hiện nay chỉ có hai loại viêm gan siêu vi A và B là đã có thuốc chủng ngừa. Còn siêu vi C, do nó “thay hình đổi dạng” liên tục cho nên hiện chưa thể chế tạo được thuốc chủng ngừa hiệu quả.

Theo số liệu thông kê thì trên 90% thanh thiếu niên ở nước ta đã từng bị nhiễm siêu vi viêm gan A. May mắn thay là bệnh viêm gan siêu vi A thường tự khỏi và không bao giờ chuyển sang mãn tính. Vì vậy, vấn đề chủng ngừa viêm gan siêu vi A chưa phải là một vấn đề cấp bách ở nước ta hiện nay.
Ngược lại, vấn đề chủng ngừa viêm gan siêu vi B lại rất quan trọng vì đây là một bệnh khá phổ biến ở nước ta. Bệnh có thể diễn tiến sang mãn tính cùng các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan với một tỷ lệ nào đó. 

Tuy nhiên, bệnh lại có thể phòng ngừa hiệu quả khi được chủng ngừa đầy đủ. Ngoài ra, bệnh nhân bị nhiễm siêu vi C cũng nên chủng ngừa viêm gan siêu vi B vì nếu bị nhiễm cả hai loại siêu vi B và C sẽ làm cho gan bị hư hoại thêm.